Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Đà Nẵng xác định việc thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị là nhiệm vụ hết sức quan trọng để tiếp tục hoàn thiện bộ máy nhà nước, trong đó có tổ chức chính quyền địa phương, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả nên căn cứ Nghị quyết số 119/2020/QH14 và Nghị định số 34/2021/NĐ-CP đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, các kế hoạch để triển khai thực hiện[1].
Đến nay, Đà Nẵng vừa tròn 01 tháng thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 119/2020/QH14 và Nghị định số 34/2021/NĐ-CP. Nhìn chung, công tác thực hiện các nhiệm vụ để triển khai thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị đã thực hiện đúng Kế hoạch, đảm bảo tiến độ các yêu cầu đặt ra, việc chuyển tiếp thực hiện nhiệm vụ giữa hai giai đoạn chưa có vướng mắc, phát sinh lớn làm ảnh hưởng hay cản trở đến công tác quản lý, điều hành của UBND quận, phường. Việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị qua một tháng có những bước chuyển mình như sau:
Thứ nhất, công tác tổ chức bộ máy được kiện toàn phù hợp mô hình mới
Sở Nội vụ đã tham mưu UBND thành phố Đà Nẵng đã kịp thời thể chế hóa các văn bản triển khai thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị về lĩnh vực tổ chức bộ máy, quản lý cán bộ, công chức, viên chức. UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 13/2021/QĐ-UBND ngày 16/6/2021 quy định về quản lý công chức, viên chức làm việc tại UBND quận, UBND phường trên địa bàn thành phố; Quyết định số 2218/QĐ-UBND ngày 25/6/2021 về số lượng, tên gọi các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận tại thành phố Đà Nẵng và Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND ngày 06/7/2021 ban hành Quy chế làm việc mẫu của UBND quận, UBND phường.
Trên cơ sở quy chế mẫu, UBND các quận, phường đã ban hành quy chế làm việc của UBND quận và UBND phường phù hợp với thực tiễn địa phương làm cơ sở cho việc triển khai tổ chức và hoạt động của UBND quận, phường. Sở Nội vụ đã hướng dẫn về thể thức văn bản của UBND quận, phường khi thực hiện chính quyền đô thị; Sở Tư pháp hướng dẫn thủ tục ủy quyền cho công chức Tư pháp - Hộ tịch phường ký chứng thực.
Thứ hai, việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ chuyên trách HĐND quận, phường được thực hiện đầy đủ, kịp thời
Các cán bộ chuyên trách HĐND ở các quận, phường đều đã được bố trí công tác mới phù hợp với năng lực quản lý và trình độ chuyên môn nghiệp vụ hoặc giải quyết chính sách tinh giản biên chế, nghỉ hưu thôi việc theo nguyện vọng cá nhân và hưởng chế độ, chính sách theo quy định. Đến nay, đa số cán bộ được sắp xếp, bố trí lại cơ bản yên tâm công tác và bước đầu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Thứ ba, việc kiện toàn và bổ nhiệm các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, phường từ ngày 01/7/2021 đảm bảo đúng quy trình, quy định
Căn cứ thẩm quyền về công tác cán bộ theo quy định tại Nghị định số 34/2021/NĐ-CP, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Thành uỷ, Ban cán sự đảng UBND thành phố và các quận ủy, đảng ủy phường đã làm tốt công tác cán bộ, coi trọng việc lựa chọn và giới thiệu nhân sự có đủ phẩm chất đạo đức chính trị, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ để cơ quan có thẩm quyền xem xét bổ nhiệm các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, phường.
Sở Nội vụ hướng dẫn UBND các quận về quy trình công tác cán bộ đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2021. Ngay khi kết thúc nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân quận, phường và bắt đầu thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị, sau khi có chủ trương thống nhất của Ban Thường vụ Thành ủy, ngày 30 tháng 6 năm 2021, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ban hành và công bố Quyết định bổ nhiệm Chủ tịch UBND các quận, huyện đảo thuộc thành phố Đà Nẵng. Đồng thời, từ ngày 01 tháng 7 năm 2021, 100% quận, phường thuộc thành phố Đà Nẵng công bố quyết định bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các phường. Việc bổ nhiệm các chức danh này bảo đảm thực hiện đúng quy định về quy trình, thủ tục theo quy định về công tác cán bộ theo phân cấp quản lý.
Trên cơ sở đề nghị của UBND các quận, Sở Nội vụ cũng đã thực hiện thủ tục chuyển 615 cán bộ, công chức phường thành công chức thuộc biên chế quận. Đây là cơ chế, chính sách mới về chế độ công vụ, công chức, tạo cơ sở cho việc chuẩn hóa đội ngũ công chức phường theo hướng chuyên nghiệp; tạo sự chủ động, linh hoạt, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyên, điều động cán bộ giữa quận - phường và ngược lại.
Thứ tư, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền khi thực hiện chính quyền đô thị
Theo chương trình công tác năm 2021 của Thành ủy Đà Nẵng, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND thành phố Đà Nẵng xây dựng “Đề án phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước theo mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Theo đó, phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan chuyên môn, UBND các quận, huyện trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước theo lĩnh vực và địa bàn theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm một việc không quá 02 cấp quản lý; việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cho cấp đó thực hiện. Bên cạnh đó, tập trung bổ sung, điều chỉnh các nội dung đã phân cấp hiện nay phù hợp với thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị, bảo đảm nguyên tắc tăng cường thẩm quyền, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của UBND các cấp về quản lý đầu tư, quản lý đất đai, quản lý, quản lý tài chính, ngân sách và quản lý tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ năm, kịp thời tham mưu, hướng dẫn về công tác quản lý tài chính, ngân sách theo mô hình mới
Căn cứ quy định của Chính phủ, Sở Tài chính đã tham mưu UBND thành phố hướng dẫn một số quy định về công tác tài chính, ngân sách khi thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị để các quận, phường thực hiện. Đến nay các quận, phường được tạm cấp kinh phí hoạt động, đặc biệt là các khoản chi phòng chống dịch, kịp thời thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ các đối tượng khó khăn theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.
Thứ sáu, chuẩn bị sẵn sàng cho công tác giám sát khi thí điểm mô hình chính quyền đô thị.
HĐND thành phố đã ban hành Quy chế hoạt động của HĐND thành phố Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, đã thành lập các Tổ đại biểu HĐND theo địa bàn các quận và chỉ định Tổ trưởng, Tổ phó các Tổ đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 làm cơ sở cho việc triển khai hoạt động, kịp thời thực hiện công tác giám sát theo quy định. Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã xây dựng dự thảo Quy chế Giám sát, phản biện trong điều kiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố và Nhân dân.
Thời gian triển khai thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị chưa nhiều (trong 01 tháng) nên chưa đủ để có thể đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính quận, phường khi đổi mới cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc và điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 119/2020/QH14 và Nghị định số 34/2021/NĐ-CP. Tuy nhiên, nhìn chung, công tác quản lý điều hành của UBND các quận, phường vẫn ổn định, thông suốt, hiệu quả, nhất là trong tình hình phòng chống dịch bệnh COVID 19 ngày càng phức tạp.
Kim Anh
[1] - Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Chỉ thị số 41-CT/TU ngày 10 tháng 8 năm 2020 về lãnh đạo tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14
- HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 342/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2020 về triển khai thực hiện Nghị quyết số số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng
- UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 6499/KH-UBND ngày 01/10/2020 về triển khai Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội và Chỉ thị số 41-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy và Kế hoạch số 70/KH-UBND ngày 14/4/2021 về triển khai Nghị định số 34/2021/NĐ-CP của Chính phủ.