Thông tư hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động
Người đăng tin: Admin Nội vụ Ngày đăng tin: 20/05/2022 Lượt xem: 562


Trên cơ sở hợp nhất hai thông tư trước đây (Thông tư số 08/2013/TT-BNV, có hiệu lực kể từ ngày 15/9/2013 và Thông tư số 03/2021/TT-BNV, có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2021), Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Văn bản hợp nhất số 02/VBHN-BNV ngày 02/5/2022 hướng dẫn việc thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Thông tư này có một số điểm đáng chú ý như sau:

- Về đối tượng áp dụng: Thông tư áp dụng đối với 04 nhóm đối tượng bao gồm:

(1) Cán bộ, công chức, viên chức xếp lương theo bảng lương chuyên gia cao cấp, các bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ làm việc trong các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến xã, phường, thị trấn và trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

(2) Những người xếp lương theo bảng lương chuyên gia cao cấp, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ do Nhà nước quy định được cấp có thẩm quyền quyết định đến làm việc tại các dự án và các cơ quan, tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam mà vẫn thuộc danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.

(3) Những người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập có thỏa thuận trong hợp đồng lao động xếp lương theo Nghị định số 204/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

(4) Những người xếp lương theo bảng lương do Nhà nước quy định thuộc chỉ tiêu biên chế được ngân sách nhà nước cấp kinh phí trong các hội có tính chất đặc thù quy định tại Nghị định số 45/2010 về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Quyết định số 68/2010 về việc quy định hội có tính chất đặc thù.

Thông tư không áp dụng đối với: cán bộ thuộc diện xếp lương theo bảng lương chức vụ đã được xếp lương theo nhiệm kỳ; cán bộ cấp xã là người đang hưởng chế độ hưu trí hoặc trợ cấp mất sức lao động quy định tại điểm c, khoản 1, điều 5 nghị định số 92/2009/NĐ- CP và khoản 1, điều 1 Nghị định số 29/2013/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 92/2009/NĐ-CP; Công chức cấp xã chưa tốt nghiệp đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại điểm b, khoản 2, điều 5 nghị định số 92/2009/NĐ-CP.

- Về tiêu chuẩn và điều kiện để nâng bậc lương thường xuyên: Các nhóm đối tượng nêu trên có đủ điều kiện thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh và trong suốt thời gian giữ bậc lương đạt đủ 2 tiêu chuẩn sau đây: thì được nâng một bậc lương thường xuyên: 1. Được đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên; 2. Không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức.

- Các trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên: Thời gian nghỉ làm việc được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về lao động; thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hưởng bảo hiểm xã hội cộng dồn từ 06 tháng trở xuống (trong thời gian giữ bậc) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; thời gian được cấp có thẩm quyền quyết định cử đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước, ở nước ngoài (bao gồm cả thời gian đi theo chế độ phu nhân, phu quân theo quy định của Chính phủ) nhưng vẫn trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị; thời gian cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia phục vụ tại ngũ theo Luật nghĩa vụ quân sự.

- Các trường hợp không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên: Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương; thời gian đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước và ở nước ngoài vượt quá thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quyết định; thời gian bị đình chỉ công tác, bị tạm giữ, tạm giam và các loại thời gian không làm việc khác ngoài quy định; thời gian tập sự (bao gồm cả trường hợp được hưởng 100% mức lương của ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức tập sự); thời gian cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đào ngũ trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ; thời gian thử thách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo…

- Về quy định nâng bậc lương trước thời hạn

Các đối tượng đạt đủ 02 tiêu chuẩn để được nâng lương thường xuyên và lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận bằng văn bản, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh và tính đến ngày 31/12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn còn thiếu từ 12 tháng trở xuống để được nâng bậc lương thường xuyên thì được xét nâng một bậc lương trước thời hạn tối đa là 12 tháng so với thời gian quy định.

Tỉ lệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ trong một năm không quá 10% tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị và không thực hiện 02 lần liên tiếp nâng bậc lương trước thời hạn.

- Về quy định thời gian kéo dài việc xét nâng bậc lương:

Thông tư quy định thời gian bị kéo dài xét nâng bậc lương thường xuyên 12 tháng đối với các trường hợp: Cán bộ bị kỷ luật cách chức; công chức bị kỷ luật giáng chức hoặc cách chức; viên chức và người lao động bị kỷ luật cách chức.

Thời gian nâng lương bị kéo dài 06 tháng đối với các trường hợp: Cán bộ, công chức và người lao động bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo; viên chức bị kỷ luật cảnh cáo; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm. Trường hợp trong thời gian giữ bậc có 2 năm không liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao bị kéo dài 06 tháng. Thời gian nâng lương bị kéo dài 03 tháng đối với viên chức bị kỷ luật khiển trách.

Trường hợp vừa bị đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ được giao, vừa bị kỷ luật thì thời gian kéo dài nâng bậc lương thường xuyên là tổng các thời gian bị kéo dài theo cả 3 quy định trên.

Trường hợp bị đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ do bị kỷ luật (cùng một hành vi vi phạm) thì thời gian kéo dài nâng bậc lương thường xuyên tính theo hình thức kỷ luật tương ứng ba quy định trên.

Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là đảng viên bị kỷ luật Đảng: nếu đã có quyết định kỷ luật về hành chính thì thực hiện kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên theo hình thức xử lý kỷ luật hành chính; nếu không có quyết định kỷ luật về hành chính thì thực hiện kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên theo hình thức xử lý kỷ luật Đảng tương ứng với các hình thức xử lý kỷ luật hành chính.

 

Chi tiết Văn bản hợp nhất số 02/VBHN-BNV ngày 02/5/2022 tại Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ theo đường link https://moha.gov.vn/dieutracshc/vbchidao-dt/van-ban-hop-nhat-so-02-vbhn-bnv-ngay-02-5-2022-cua-bo-noi-vu-ban-hanh-thong-tu-huong-dan-thuc-hien-che-do-nang-bac-luong-thuong-xuyen-va-nang-bac-47467.html

Minh Hải


Tìm kiếm

Quản lý video Quản lý video

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

0 1 1 8 2 0 2 6 4
Hôm nay: 233
Hôm qua: 3.382
Tuần này: 233
Tháng này: 15.522
Tổng cộng: 11.820.264

LIÊN KẾT WEBSITE LIÊN KẾT WEBSITE

               

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NỘI VỤ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Địa chỉ: Tầng 10 Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng, 24 Trần Phú, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Điện thoại: 0236 3821253     Fax: 0236 3829900    E-mail: snv@danang.gov.vn

Ghi rõ nguồn phát hành https://noivu.danang.gov.vn khi sử dụng nội dung từ website này

Giấy phép số: 632/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 28/5/2021

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Đăng nhập/a>