Trong 9 tháng đầu năm 2022, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp để triển khai và thực hiện nội dung “Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử”, cụ thể:
Kết quả xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật: 100% hộ gia đình kết nối cáp quang băng rộng; mạng 3G, 4G phủ sóng 100% khu vực dân cư trên địa bàn thành phố; đã khai trương dịch vụ mạng 5G tại thành phố vào ngày 13/12/2021. Mạng đô thị thành phố (Mạng MAN) với tổng chiều dài 350 km cáp quang ngầm, mở rộng kết nối 145 cơ quan, đơn vị, đang tiếp tục được nâng cấp, mở rộng. Mở rộng kết nối Hệ thống WiFi thành phố tại các chợ, trung tâm y tế, các khu vực tập trung đông công nhân. Thí điểm lắp đặt 08 trạm truyền dẫn vô tuyến sử dụng công nghệ LoRa (năng lượng thấp, vùng phủ rộng). Trung tâm dữ liệu thành phố tiếp tục được nâng cấp, mở rộng, dung lượng lưu trữ đến 170 TB. Triển khai Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến từ cấp thành phố đến cấp quận huyện, phường, xã. Hình thành các Trung tâm giám sát chuyên ngành như giám sát an ninh trật tự, giám sát giao thông... Hiện nay, thành phố đang triển khai Dự án nâng cấp, mở rộng Mạng MAN, Dự án nâng cấp mở rộng Trung tâm dữ liệu thuộc Đề án xây dựng TPTM; triển khai hạ tầng mạng 5G (sau khi thí điểm 10 trạm vào cuối năm 2021), thí điểm trạm truyền dẫn vô tuyến sử dụng công nghệ LoRa (năng lượng thấp, vùng phủ rộng).
Kết quả xây dựng, phát triển các hệ thống nền tảng: Thành phố đã hoàn thiện nền tảng Chính quyền điện tử, Trục tích hợp chia sẻ dữ liệu thành phố LGSP (hơn 44 nhóm dịch vụ API, hơn 22 triệu lượt giao dịch qua LGSP) theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của Bộ TTTT, kết nối với Trục liên thông quốc gia NGSP; đưa vào sử dụng Cổng Dịch vụ công trực tuyến thành phố (tại địa chỉ https://dichvucong.danang.gov.vn), kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Triển khai gần 97% dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4, trong đó 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện đã triển khai mức 4; gần 60% hồ sơ trực tuyến. Đồng thời, đã hoàn thành xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo thành phố (tại địa chỉ https://bcdh.danang.gov.vn), kết nối với Hệ thống thông tin Báo cáo Chính phủ; triển khai cập nhật và báo cáo số liệu chỉ tiêu kinh tế - xã hội thành phố từ năm 2019 đến nay; đồng bộ với hệ thống của Văn phòng Chính phủ phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiến hành triển khai các hệ thống thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành như: Hệ thống lấy ý kiến các thành viên UBND thành phố về các hồ sơ, chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND thành phố (tại địa chỉ https://yktvub.danang.gov.vn); Hệ thống thông tin phục vụ cuộc họp của UBND thành phố, ứng dụng Speech-to-Text gỡ băng cuộc họp (sử dụng công nghệ nhận dạng giọng nói, xử lý ngôn ngữ tự nhiên,...); Phần mềm theo dõi công việc Lãnh đạo UBND thành phố giao (tại địa chỉ https://dieuhanhvp.danang.gov.vn)...
Kết quả xây dựng, phát triển dữ liệu: Đã hình thành các cơ sở dữ liệu (sau đây viết tắt là CSDL) nền như công dân, doanh nghiệp, nhân hộ khẩu, đất đai, cán bộ công chức... và 560 CSDL chuyên ngành; triển khai Phần mềm CSDL và quản lý nhà nước chuyên ngành các sở, ngành, quận, huyện. Hình thành Kho dữ liệu dùng chung toàn thành phố phục vụ thu thập, tích hợp, làm sạch, chuẩn hóa và chia sẻ dữ liệu cho các cơ quan khai thác, sử dụng. Đưa vào sử dụng Cổng dữ liệu mở với gần 600 tập dữ liệu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội với đa dạng kênh tra cứu, khai thác (API, web, SMS, Zalo); bắt đầu sử dụng một số dữ liệu số thay thành phần hồ sơ giấy trong cung cấp dịch vụ công như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Sổ hộ khẩu, Giấy đăng ký kinh doanh... Hiện nay, thành phố đang triển khai mở rộng Kho dữ liệu dùng chung phục vụ xử lý dữ liệu phi/bán cấu trúc, phân tích hỗ trợ ra quyết định; xây dựng CSDL không gian đô thị, quy hoạch, giao thông trên nền GIS; xây dựng CSDL hộ tịch điện tử thành phố, kết nối với CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc; hoàn thiện CSDL cán bộ, công chức, viên chức thành phố kết nối với CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.
Kết quả xây dựng, phát triển các ứng dụng, dịch vụ nội bộ:
- Tiếp tục triển khai hiệu quả các ứng dụng phục vụ nghiệp vụ QLNN chuyên ngành như Hệ thống quản lý giám sát các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố; Hệ thống CSDL thanh tra, khiếu nại, tố cáo; Hệ thống quản lý CSDL hạ tầng đô thị trên nền GIS quận Cẩm Lệ; Hệ thống quản lý CSDL lý lịch tư pháp; Phần mềm quản lý hộ tịch; Hệ thống quản lý CSDL công chứng; Hệ thống đấu giá trực tuyến; Phần mềm quản lý lưu trú trực tuyến; các CSDL và phần mềm QLNN chuyên ngành của các sở, ngành, quận huyện; Cổng thông tin tra cứu đất đai để phục vụ công tác cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ của quận huyện; triển khai hệ thống trình ký điện tử phục vụ công tác trình ký và cung cấp dữ liệu điện tử về hồ sơ đất đai cho các phòng, ban chuyên môn; triển khai hệ thống liên thông thuế trong lĩnh vực đất đai; hệ thống quản lý giải tỏa đền bù trên địa bàn huyện Hòa Vang (bao gồm Phân hệ quản lý dự án; Phân hệ quản lý hồ sơ; Quản lý thông báo kết quả và tiếp dân; Quản lý công tác chi trả bồi thường, bàn giao mặt bằng; Quản lý công tác cưỡng chế; Quản lý công tác bố trí tái định cư; Quản lý chứng nhận quyền sử dụng đất).
- Đưa vào sử dụng các hệ thống ứng dụng thông minh như Ứng dụng truy xuất nguồn gốc thực phẩm theo chuỗi, Hệ thống giám sát đỗ xe thông minh (http://doxe.danang.gov.vn/), Cổng Thông tin giao thông trực tuyến, Hệ thống giám sát tàu thuyền tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, Ứng dụng giám sát hành trình xe rác, xe cứu hỏa, xe cứu thương...
Kết quả xây dựng, phát triển ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp: Tiếp tục triển khai hiệu quả các ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp như Ứng dụng Góp ý (bao gồm phiên bản web và mobile, trung bình 1000 lượt góp ý/tháng), các tiện ích tra cứu, nhắn tin (tra cứu giá đất, số điện thoại rao vặt, lịch trình xe buýt...), tiện ích hẹn giờ giao dịch hành chính trực tuyến, hẹn giờ khám chữa bệnh trực tuyến... Tiếp tục triển khai hiệu quả, bổ sung dữ liệu trên Cổng dữ liệu mở thành phố (https://opendata.danang.gov.vn) để người dân, doanh nghiệp khai thác; Tiếp tục triển khai Sàn thương mại điện tử thành phố Đà Nẵng tại địa chỉ www.danangtrade.com.vn và ứng dụng di động nhằm giúp cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm và kinh doanh trên môi trường trực tuyến.
Kết quả xây dựng, phát triển đô thị thông minh:
- Triển khai Hệ thống giám sát tập trung Mini IOC và 6 dịch vụ đô thị thông minh cơ bản theo hướng dẫn thí điểm dịch vụ đô thị của Bộ TTTT (bao gồm: Dịch vụ phản ánh, góp ý; dịch vụ giám sát dịch vụ công; dịch vụ giám sát giao thông; dịch vụ giám sát an ninh trật tự đô thị; dịch vụ giám sát an toàn thông tin; dịch vụ giám sát thông tin mạng xã hội) và 12 dịch vụ tăng thêm khác như giám sát môi trường nước, không khí; giám sát tình hình dịch bệnh COVID-19, dữ liệu mở, giám sát hành trình xe rác,… Có các trung tâm giám sát chuyên ngành: Camera giao thông, camera an ninh, quan trắc môi trường... Tổ chức Lễ khởi động Dự án Xây dựng Trung tâm tích hợp kiểm soát khả năng phục hồi đô thị xanh và thông minh Đà Nẵng ngày 04/3/2022.
- Đối với nội dung về “Giao thông thông minh”: Đã hình thành Trung tâm giám sát giao thông (tại Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng) với gần 200 nút tín hiệu điều khiển giao thông tại các nút giao thông; gần 300 camera giám sát giao thông thông minh và ứng dụng nhận dạng, phân loại phương tiện, thực hiện truy vết lộ trình xe tự động qua biển số, theo dõi tình hình ùn tắc, tai nạn giao thông, đo đếm lưu lượng phục vụ công tác quản lý điều hành giao thông, giám sát các phương tiện vận tải, xử lý các hành vi vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải, vi phạm trật tự an toàn giao thông; thí điểm chức năng đo đếm lưu lượng qua camera, tự động điều khiển đèn tín hiệu điều khiển giao thông theo thời gian thực, thí điểm camera trên xe buýt để giám sát hạ tầng giao thông; triển khai ứng dụng thu phí đỗ xe trực tuyến trên đường Bạch Đằng, Trần Phú; hệ thống quan trắc công trình cầu Thuận Phước, cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý với các cảm biến ứng suất, hướng gió, tốc độ gió, nhiệt độ, độ ẩm,... để theo dõi tình trạng chất lượng kết cấu công trình. Trong Đề án Thành phố thông minh, Sở Giao thông vận tải đã triển khai các dự án chuyên ngành giao thông phục vụ giao thông thông minh như: Xây dựng cơ sở dữ liệu GIS về hạ tầng giao thông, triển khai hệ thống giám sát đỗ xe (giám sát nhận dạng biển số, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về đậu, đỗ xe trên các tuyến đường; kết nối, quản lý công tác thu phí của các hệ thống đỗ xe khác, chia sẻ dữ liệu cho hệ thống hoặc ứng dụng khác của thành phố).
- Đối với nội dung về “Môi trường thông minh”: Đã xây dựng Nền tảng dịch vụ tích hợp quan trắc môi trường và triển khai, tích hợp 36 trạm quan trắc môi trường nước mặt, nước thải, không khí trên địa bàn thành phố để theo dõi, giám sát tập trung; triển khai hệ thống giám sát cấp nước tại nhà máy nước Cầu Đỏ; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình xe rác và hệ thống camera trên xe rác để theo dõi, giám sát chất lượng hoạt động thu gom rác. Năm 2021-2022 mở rộng, bổ sung các trạm quan trắc (6 trạm quan trắc không khí: Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, TTHC quận Ngũ Hành Sơn, TTHC Sơn Trà, TTHC quận Thanh Khê, TTHC huyện Hòa Vang, ngã ba Phạm Hùng - QL1A; 4 trạm quan trắc nước biển: Bãi tắm Non nước, Bãi tắm Phạm Văn Đồng, Bãi Rạng, Cảng Tiên Sa; 5 trạm quan trắc nước sông: Hạ lưu sông Hàn, hạ lưu sông Cu Đê, hạ lưu sông Phú Lộc, lưu vực sông Vu Gia Thu Bồn).
- Đối với nội dung về “Đời sống thông minh”:
+ Đối với An ninh trật tự: Triển khai Trung tâm giám sát an ninh, trật tự qua camera (1800 camera tại Công an thành phố), đồng thời đã huy động người dân, doanh nghiệp trang bị hơn 34.500 camera giám sát an ninh; thí điểm ứng dụng nhận dạng phục vụ công tác quản lý đô thị (bao gồm các dịch vụ: nhận dạng khuôn mặt, cảnh báo tụ tập đông, cảnh báo lấn chiếm vỉa hè, đỗ xe trái phép, phát hiện cáp viễn thông treo mất mỹ quan); triển khai Hệ thống giám sát tàu thuyền tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang; triển khai ứng dụng di động tra cứu thông tin vi phạm giao thông qua hệ thống camera giám sát thành phố. Hiện nay, đang triển khai Trung tâm Công nghệ cao Công an thành phố bao gồm các trang thiết bị và phần mềm nghiệp vụ phục vụ công tác phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Hệ thống rà quét, kiểm tra, đánh giá lỗ hổng bảo mật hệ thống mạng, ứng dụng web; Hệ thống chuyên dụng đánh giá rà quét lỗ hổng bảo mật cho thiết bị phần cứng; Thiết bị phát hiện, diệt phần mềm độc hại tích hợp USB chuyên dụng; Hệ thống phần mềm và trang thiết bị trích xuất, phân tích và phục hồi dữ liệu chứng cứ điện tử; Hệ thống giám sát, thu thập chứng cứ điện tử chiến thuật trên luồng dữ liệu internet); đang hoàn thiện hệ thống an ninh trật tự thành phố bao gồm triển khai lắp đặt các camera, trang thiết bị CNTT và hệ thống phân tích dữ liệu thông minh; hệ thống lưu trữ phục vụ khai thác thông tin tội phạm.
+ Giáo dục thông minh: Triển khai Phần mềm tuyển sinh trực tuyến đầu cấp (lớp 1, lớp 6); CSDL dùng chung và Cổng giao tiếp dữ liệu ngành Giáo dục nhằm liên thông tích hợp dữ liệu của các phần mềm quản lý trường học, hình thành CSDL học sinh (quá trình học tập từ lớp 1 đến 12) và giáo viên toàn thành phố; xây dựng Cổng tra cứu điểm thi các cấp (web, SMS, Zalo). Ngoài ra, thành phố đang triển khai thí điểm mạng lưới thiết bị IoT giám sát trường học tại Trường THPT Trần Phú và Trường THPT Nguyễn Hiền bao gồm phần mềm có các chức năng nhận diện khuôn mặt, nhận dạng và cảnh báo đánh nhau mang vũ khí vào trường, hệ thống cảnh báo gửi tin nhắn và thông báo trên màn hình giám sát, chức năng tìm kiếm, quản lý video thông minh; 137 camera, 5 đầu ghi hình, 4 máy chủ phân tích dữ liệu; hệ thống âm thanh thông báo đến lớp học; hệ thống ánh sáng học đường gồm hệ thống quản lý trung tâm và hệ thống giám sát ánh sáng của 26 phòng học.
+ Y tế thông minh: Triển khai ứng dụng y tế điện tử tại 100% Trạm y tế xã, phường; Ứng dụng quản lý bệnh viện và khám, chữa bệnh điện tử tại 16/16 Trung tâm y tế quận, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa; hình thành Hồ sơ Y tế điện tử công dân và quản lý mã (ID) bệnh nhân toàn thành phố. Hiện có 1.367.268 dữ liệu người dân; đã tích hợp, đồng bộ dữ liệu khám chữa bệnh với 16/16 bệnh viện và 56/56 trạm y tế xã phường trên địa bàn thành phố. Thí điểm triển khai kết nối liên thông Hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh y tế (PACs) giữa các trung tâm y tế quận huyện và Bệnh viện Đà Nẵng. Hiện nay thành phố đang triển khai nâng cấp Hệ thống hồ sơ sức khỏe, triển khai thí điểm Bệnh viện thông minh bao gồm bệnh án điện tử và hệ thống thiết bị liên quan tại Bệnh viện Ung Bướu và Trung tâm Y tế Liên Chiểu.
+ An toàn vệ sinh thực phẩm: Xây dựng CSDL các nhà hàng, cơ sở được cấp giấy An toàn thực thực phẩm và quán ăn đường phố cam kết an toàn thực phẩm, kết hợp với tiện tra cứu qua tin nhắn SMS, Zalo, tổng đài 1022; xây dựng Cổng thông tin an toàn thực phẩm, công khai các thông tin, dữ liệu về an toàn thực phẩm; thí điểm tra cứu nguồn gốc thực phẩm bán tại chợ Hàn qua QR Code; đưa vào sử dụng Hệ thống quản lý và truy xuất nguồn gốc thực phẩm theo chuỗi.
+ Phòng chống thiên tai: Triển khai 25 trạm đo mưa toàn thành phố, hơn 1500 hệ thống giám sát đo mưa tự động và 10 hệ thống giám sát mực nước lũ triển khai trên toàn quốc phục vụ cho công tác khí tượng thủy văn và phòng chống thiên tai; thí điểm ứng dụng phát hiện và cảnh báo cháy rừng tại khu vực đèo Hải Vân. Hiện nay thành phố đang triển khai hệ thống giám sát rừng sử dụng thiết bị bay không người lái, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; xây dựng Trung tâm tích hợp khả năng phục hồi đô thị xanh và thông minh trong đó có hệ thống quản lý rủi ro thiên tai.
+ Năng lượng thông minh: EVN đã triển khai Hệ thống SCADA giám sát, điều khiển các trạm biến áp, trạm trung gian, cầu giao cách ly cho lưới điện; triển khai 100% đồng hồ điện tử và đọc số liệu từ xa, Trung tâm điều hành và đóng mở lưới điện tự động; hình Thành phố đã hình thành Trung tâm giám sát tập trung điện chiếu sáng công cộng, triển khai thay thế đèn LED tại 19 tuyến đường trên địa bàn quận Hải Châu.
- Đối với nội dung về “Kinh tế thông minh”:
+ Thương mại thông minh: Đà Nẵng đã xây dựng Sàn Thương mại điện tử và ứng dụng di động nhằm giúp cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm và kinh doanh trên môi trường trực tuyến; đến nay đã có hơn 1000 doanh nghiệp và 2.500 sản phẩm tham gia trên Sàn. Thành phố cũng tích cực triển khai đưa các sản phẩm OCOP và hộ sản xuất nông nghiệp lên Sàn thương mại điện tử; triển khai giải pháp triển lãm ảo và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xúc tiến bán hàng trực tuyến. Tháng 4/2022 Thành phố đã triển khai mô hình Chợ 4.0 với đa dạng phương thức thanh toán như VietQR, Mobile Money, ví điện tử,.. tại các chợ quy mô lớn của thành phố với hơn 1.000 tiểu thương tham gia.
+ Du lịch thông minh: Đà Nẵng đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong lĩnh vực du lịch để tăng trải nghiệm và thu hút khách du lịch như ứng dụng Một Chạm đến Đà Nẵng - VR360, ứng dụng Chatbot hỗ trợ khách du lịch, bản đồ số các điểm di tích trên địa bàn, Sàn giao dịch du lịch trực tuyến và Hội chợ du lịch ảo trực tuyến; trong tháng 6/2022 đưa vào triển khai Thẻ du lịch thông minh.
+ Nông nghiệp thông minh: Thành phố đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1:500 Vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn ứng dụng Công nghệ cao (CNC) xã Hòa Khương, xã Hòa Phong với diện tích 162.137 m2. Quy hoạch vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn ứng dụng CNC kết hợp khu tham quan; quy hoạch khu trồng rau sạch, nhà lưới, vườn ươm, khu đất sản xuất... Đẩy mạnh xúc tiến, kêu gọi nhà đầu tư vào Khu nông nghiệp CNC, các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC Hòa Phú, Hòa Khương. Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với kinh phí đầu tư gần 11 tỷ đồng được TP Đà Nẵng triển khai tại huyện Hòa Vang trong 3 năm, từ năm 2019-2021. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai thí điểm ứng dụng quản lý tưới tiêu thông minh dựa trên công nghệ LoRa; triển khai đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử.
Kết quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4: Số lượng DVCTT mức độ 4: 1.704, đạt 100% các thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp trực tuyến mức độ 4. Ngoài ra, có 48 thủ tục hành chính chỉ được cung cấp DVCTT mức độ 2 và 32 DVCTT mức độ 3 do vướng các quy định khác nhau. Số lượng DVCTT mức độ 3, 4 phát sinh hồ sơ trực tuyến: 439 (trên tổng số 565 DVCTT có phát sinh hồ sơ trực tuyến và trực tiếp), đạt tỷ lệ 77,70%. Số lượng hồ sơ trực tuyến: 58.941 hồ sơ (trên tổng cộng 116.340 hồ sơ), đạt tỷ lệ 50,66% (Các số liệu trên không bao gồm 134 DVCTT mức độ 4 do Bộ, ngành triển khai trên hệ thống riêng; các sở, ngành thành phố sử dụng)
Vũ Thanh Nguyên